Mô hình Addie được biết đến là cách biên soạn nội dung bài giảng được sử dụng phổ biến. Việc áp dụng hiệu quả phương pháp xây dựng khóa học với Addie giúp bài giảng trở nên hấp dẫn và thành công hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ và khai thác tốt cách xây dựng mô hình này. Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu chi tiết hơn về phương pháp Addie là gì? Cách xây dựng khóa học với mô hình này.
Addie là gì?
Addie là mô hình xây dựng nội dung khóa học bài giảng có từ những năm 1970. Mô hình được áp dụng phổ biến cho tới hiện nay bởi ưu điểm đơn giản và tính hiệu quả cao của nó.
Addie từ viết tắt của 5 chữ cái bắt đầu tên của 5 giai đoạn trong quá trình xây dựng mô hình khóa học bài giảng. Bao gồm: Analyze (Phân tích), Design (Thiết kế), Development (Phát triển), Implementation (Thực hiện) và Evaluation (Đánh giá).
Mô hình được thực hiện theo quy trình từ Phân tích – thiết kế – phát triển – thực hiện và đánh giá. Mỗi bước đều có một ý nghĩa quan trọng. Chúng tập trung vào sự phản chiếu, lặp lại, đảm bảo nội dung bài giảng được thiết kế ra có sự logic thống nhất với nhau.
Quy trình xây dựng khóa học với mô hình Addie
Để sản xuất ra nội dung bài giảng cho khóa học hay, hấp dẫn và hiệu quả cao thì bạn cần thực hiện theo đúng quy trình 5 bước như trên:
Bước 1: Analyze – Phân tích
Phân tích là bước đầu tiên trong mô hình Addie và cũng là bước quan trọng nhất. Bởi phân tích giúp bạn xác định rõ được mục tiêu, mục đích đào tạo và phát triển con người. Từ đó, tìm ra phương hướng, cách thức để đạt được mục tiêu đó.
Trong bước này, người thực hiện cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nhu cầu của người học với bài giảng, khóa học của bạn là gì? Chỉ khi bạn hiểu rõ được nhu cầu người học, bạn mới xác định cụ thể mục tiêu, hướng đi cho hợp lý. Nhằm giúp người học thỏa mãn nhu cầu và đạt được mục tiêu.
- Bao nhiêu học viên đã biết về chủ đề giảng dạy của bạn? Nếu không phải nhóm học viên quen thuộc, bạn có thể biết về trình độ kiến thức của người học qua những bài kiểm tra đánh giá đầu vào.
- Những kiến thức cần giảng dạy? Khi biết được khoảng trống về kiến thức, kỹ năng của học viên. Bạn cần liệt kê chúng ra cụ thể những gì mà học viên có thể lĩnh hội được sau quá trình học tập.
- Phương pháp giảng dạy bạn định áp dụng là gì? Có rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Tùy vào từng đối tượng, bài giảng, hoàn cảnh học tập, trang thiết bị mà bạn sử dụng các phương pháp cho phù hợp. Người dạy có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau từ thuyết trình lý thuyết, thực hành, giải đáp, làm bài tập nhóm,… để có bài giảng phong phú và tạo sự tương tác 2 chiều giữa người dạy và người học.
- Những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình học tập có thể xảy ra và cách xử lý? Vấn đề khó khăn trong quá trình giảng dạy có thể là yếu tố khách quan về hoàn cảnh giảng dạy, ngân sách, thời gian,… Nó cũng có thể là do yếu tố con người ứng xử, tiếp thu hoặc biểu hiện tâm lý khi học tập. Cách thức xử lý như nào tùy thuộc vào tính linh hoạt, sự khéo léo của người dạy.
Bước 2: Design – Thiết kế
Sau khi đã phân tích, mô phỏng được lên khung sườn những vấn đề cần làm trong mô hình xây dựng bài giảng, khóa học. Bạn chỉ việc tập hợp những gì đã phân tích, sắp xếp, thiết kế chung thành tài liệu học tập hoàn chỉnh.
Bạn có thể thực hiện với các bước nhỏ sau đây:
- Xây dựng kế hoạch học tập cho các buổi đào tạo. Điều này đảm bảo công việc giảng dạy của bạn có thể giải quyết từng vấn đề bạn đưa ra trong giai đoạn phân tích trước đó.
- Phương thức giảng dạy: Lựa chọn phương thức giảng dạy cho từng buổi học. Ví dụ: Dạy thuyết trình, làm việc nhóm, thực hành, ngoại khóa,…
- Cấu trúc bài giảng: Xây dựng cấu trúc bài giảng theo tiết, dựa theo thời lượng buổi học và lượng kiến thức phân bổ.
- Thời lượng giảng dạy: Theo từng mục kiến thức và hoạt động giảng dạy của bạn đã lên ở phần cấu trúc bài giảng.
- Đánh giá bài giảng – buổi học: Sau mỗi buổi học, bạn nên có những đánh giá bài giảng tự đúc rút và từ học viên để có thể thay đổi, điều chỉnh cho các buổi giảng sau được tốt hơn.
- Phản hồi của học viên: Phản hồi của học viên là cách giúp bạn nâng cao năng lực và kỹ năng giảng dạy. Đồng thời, đây cũng là cách để giảng viên giải đáp, trao đổi với học viên những điều người học chưa hiểu.
Sau khi tạo ra một kế hoạch chi tiết, bạn nên thử nghiệm, tập dượt trước để đảm bảo kế hoạch đã hợp lý, khoa học và không có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình dạy thực tế.
Bước 3: Development – Phát triển
Ở giai đoạn này, bạn bắt tay vào tạo ra khóa học thông qua bản mẫu ý tưởng được thiết kế trước đó.
Lúc này, bạn cần nhớ, mỗi yếu tố của khóa học phải được phát triển sao cho phù hợp với giai đoạn thiết kế. Trong đó, cốt lõi nội dung đều đã được quyết định sẵn rồi. Tất cả những gì bạn cần làm đó là làm cho bài giảng, khóa học chi tiết và hoàn thiện hơn.
Nó có thể là đồ họa, màu sắc, phông chữ. Hoàn thiện câu văn cho trơn tru, cuốn hút. Đây có thể là điều bình thường và không cần thiết đối với một số người. Nhưng nó sẽ đem tới cảm hứng học tập, thu hút học viên quan tâm và chăm chú với bài giảng của bạn hơn rất nhiều.
Đặc biệt, hãy nhớ kiểm tra cẩn thận từng chi tiết của bài giảng, khóa học. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc bất kỳ một lỗi cơ bản nào (ngữ pháp, chính tả,..)
Bước 4: Implementation – Thực hiện
Trước khi thực hiện bước 4, bạn hãy đảm bảo rằng:
- Học viên của bạn có đầy đủ nguồn lực cần thiết để hoàn thành khóa học. Đó sẽ là tài liệu, phương tiện học tập, dụng cụ học tập, cơ sở vật chất nơi giảng dạy,…
- Kiểm tra cẩn thận các phương tiện giảng dạy của bạn. Hãy chắc chắn chúng hoạt động một cách bình thường khi buổi học thực tế diễn ra.
- Khi bài học hoàn thành, hãy yêu cầu học viên có những phản hồi ngay lập tức. Bởi nó sẽ giúp bạn có cái nhìn chân thực, khách quan nhất hiệu quả bài giảng. Bạn có thể kêu học viên đứng dậy nêu cảm nhận hoặc chia sẻ kín đáo quá giấy.
Có nhiều hình thức để bạn có thể “thực hiện bước này”, bởi Addie chỉ là cách thức bạn xây dựng nội dung bài giảng, không phải là cách truyền đạt, tất nhiên bạn có thể làm bài giảng điện tử và thiết kế website dạy học trực tuyến của riêng mình rồi đăng bán khóa học trên đó, hoặc đơn giản là một giáo án thông thường và bạn sẽ dựa vào đó để đúng trên bục giảng và bắt đầu truyền đạt kiến thức mà mình đã chuẩn bị theo mô hình Addie.
Bước 5: Evaluation – Đánh giá
Thông qua cả quá trình buổi học, sự tương tác giữa người học và người dạy. Đồng thời, thông qua cả những phản hồi từ học viên, bạn sẽ có được đánh giá kết quả đào tạo một cách chi tiết.
Bạn sẽ biết được trình độ tiếp thu, năng lực học tập của học viên. Những điều được và chưa được cần cải thiện của bài giảng. Những hạn chế, yếu kém của từng học viên cần phải rèn luyện và bổ sung. Từ đó, bạn sẽ có hướng điều chỉnh bài giảng, kiến thức để bổ sung cho học viên một cách hợp lý nhất.
Như vậy chúng ta đã phân tích xong về mô hình Addie thông qua từng bước xây dựng kế hoạch khóa học, bài giảng. Nhìn chung mô hình này thật sự hữu ích, bạn có thể áp dụng với trong việc soạn thảo bài giảng truyền thống hoặc tạo các bài giảng điện tử cho website học trực tuyến đều được. Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng và áp dụng hiệu quả mô hình Addie này trong công tác đào tạo, giảng dạy của mình.